Giám sát IUU - Ai giám sát?
Theo kế hoạch, tháng 11 này, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trở lại Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).
Đây sẽ là lần thứ năm đoàn đến Việt Nam. Bốn lần trước đó, EC đều giữ nguyên mức cảnh báo. Điều đó cho thấy những khuyến nghị dù đã được thực hiện đầy cố gắng trong suốt hơn 6 năm qua, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Trong bốn nhóm khuyến nghị thì việc hoàn thiện khung pháp lý đã được Chính phủ triển khai bằng việc xây dựng Luật Thủy sản 2017, thúc đẩy chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá đánh bắt có trách nhiệm, cùng sự đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhiều cơ chế chính sách từ cấp Trung ương đến cấp địa phương đi kèm...
Tất cả đều đồng bộ, chỉ duy một điều đó là việc thực hiện chưa đồng bộ. Để thay đổi tập quán sản xuất của ngư dân thì sự không đồng bộ nảy sinh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên sự không đồng bộ ở đây còn đến từ cách thức tổ chức thực hiện của chính cơ quan quản lý. Đang có quá nhiều đầu việc được giao cho một lực lượng nhưng ngược lại cũng đang tồn tại quá nhiều lực lượng cùng tham gia vào một đầu việc. Và rất nhiều hệ quả theo kiểu "cha chung không ai khóc" đã xuất hiện.
Chẳng hạn với việc quản lý tàu cá và thuyền viên hoạt động trên biển, hiện có bốn đơn vị cùng chịu trách nhiệm là Văn phòng thanh tra, kiểm tra nghề cá của các tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư và Cảnh sát biển... Thế nhưng suốt mấy năm qua, hàng chục nghìn tàu cá thuộc diện ba không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép)... vẫn tự do ra vào cửa biển. Lý do được các cơ quan chức năng giải thích là cần một lộ trình chuyển đổi, cần phải thông cảm trước áp lực thu nhập, việc làm... Chính những sự bao biện này đang cản trở nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng EC. Và rốt cục dù có bốn đơn vị quản lý lại chẳng có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về tình trạng tàu thuyền không đủ điều kiện vẫn ra khơi.
Trong một cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về IUU, một giám đốc cảng cá ở Miền Trung từng thẳng thắn nêu ý kiến: việc quản lý tàu cá, ngư dân trên biển thực chất chỉ cần một chốt chặn, đó là Biên phòng. Cụ thể: các đồn trạm biên phòng ven biển chỉ cần làm nghiêm, yêu cầu tất cả tàu cá và ngư dân xuất trình đầy đủ hồ sơ thủ tục mới được ra khơi, giống như xuất trình đầy đủ giấy tờ mới được xuất cảnh trên biên giới đất liền thì chẳng có bất cứ sai phạm nào về mặt điều kiện có thể xảy ra. Và khi đó cũng không cần đến các bộ phận khác; hoặc cần để giải quyết những vấn đề phát sinh, thay vì kiểm tra hồ sơ, thủ tục tàu cá như hiện tại.
Nhưng sự thẳng thắn này cũng chỉ là một ý kiến trong rất nhiều ý kiến phát biểu trước diễn đàn rồi... để đó.
Tình trạng "cha chung không ai khóc" trong thực hiện IUU cũng đang tồn tại ở các nhóm đầu việc khác. Chẳng hạn để kiểm soát nguồn gốc thủy sản, ngư dân được yêu cầu phải ghi nhật ký khai thác, cơ quan cảng cá phải thống kê, báo cáo, Văn phòng thanh tra kiểm tra nghề cá phải giám sát hải trình đánh bắt... Thế nhưng kiểm soát xong rồi tất cả lại phó mặc cho tư thương. Nguyên do là hải sản sau khi rời cảng cá, lưu thông trên đường không bị ai kiểm tra giám sát về IUU. Đây chính là kẽ hở để những tàu cá không cần vào cảng, không cần khai báo vẫn có thể cấp hàng ra thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay số lượng hải sản được giám sát qua các cảng cá ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 20%, số còn lại đang trôi nổi đâu đó. Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ cần giao trách nhiệm cho một lực lượng (quản lý thị trường hay cảnh sát giao thông chẳng hạn) tuýt còi vì thiếu chứng nhận IUU cho nguồn gốc hải sản, thì ngư dân sẽ bán cho ai và chở đi đâu trong trường hợp đánh bắt tùy tiện, không chịu vào cảng để khai báo?
Liên quan đến nhóm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng vậy. Hiện nay chúng ta có đủ lực lượng gồm: kiểm ngư, cảnh sát biển giám sát ngoài khơi thông qua hệ thống chuyên dụng, Trung tâm Giám sát tàu cá quốc gia, Văn phòng thanh tra, kiểm tra nghề cá cấp tỉnh, Bộ đội biên phòng kiểm soát trên bờ thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS... Thế nhưng tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra. Nhiều chủ tàu cố tình tắt tín hiệu định vị, hoặc cắm định vị vào một hòn đảo nào đó ngoài khơi để sang lãnh hải của nước bạn đánh bắt, khi bị phát hiện thì bao biện bằng sự cố kỹ thuật trên biển. Việc giám sát sự cố kỹ thuật lại không thuộc trách nhiệm của các đơn vị quản lý trên bờ, gồm: Trung tâm Giám sát tàu cá quốc gia, Văn phòng thanh tra, kiểm tra nghề cá cấp tỉnh, Bộ đội biên phòng... Vậy là cuối cùng vẫn không có cách để xử lý và cũng không ai chịu trách nhiệm về việc hàng loạt tàu cá mất kết nối...
EC quy định tất cả hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing). Các thẻ màu bao gồm xanh, vàng, đỏ và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch. Khi một quốc gia bị EC rút "thẻ vàng", thông tin sẽ bị công bố rộng rãi trên thế giới. Mặt hàng thủy sản của quốc gia đó nhập vào EU sẽ bị bị tiền kiểm 100%. Hậu quả là chi phí xuất khẩu hải sản sang châu Âu tăng lên, số lượng giảm xuống do thời gian giao hàng kéo dài.
Để gỡ bỏ thẻ vàng châu Âu cần đến sự cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống và tất cả ngư dân. Nhưng cộng đồng trách nhiệm không có nghĩa là trách nhiệm thuộc về tất cả để rồi khi xảy ra vấn đề lại không một ai đứng ra chịu trách nhiệm. Tinh thần rõ người, rõ việc, rõ phân công vì thế phải cụ thể hơn nữa trong các công đoạn thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Trần Long